Du lịch có rất nhiều kiểu khác nhau. Có người thích du lịch theo kiểu hưởng thụ sang chảnh trong các khu resort hiện đại. Có người lại thích trở về với quan cảnh thiên nhiên để hít thở trong bầu không khí tươi mát. Và bài viết này sẽ dành cho kiểu du lịch bình dị này. Các bãi biển, thác, suối sẽ là lựa chọn tiêu biểu trong phong cách du lịch này. Hôm nay mình sẽ giới thiệu về thác Bản Ba. Nếu có ý định thưởng thức cảnh quan thiên nhiên yên bình, thác Bản Ba sẽ là gợi ý tốt nhất cho bạn.
Khám phá thác Bản Ba khi đến Tuyên Quang
Nằm giữa núi rừng Tuyên Quang, thác Bản Ba đổ bọt trắng xoá, nổi bật khi nhìn từ trên cao. Thác bao gồm các chuỗi thác liên hoàn, với 3 tầng lớn gồm Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét. Thác nằm bên triền núi Phiêng Khàng, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hoá, cách TP Tuyên Quang khoảng 70 km.
Từ Chiêm Hóa, con đường nhỏ rẽ vào thác dài 25 km nằm sâu trong rừng già và núi non trùng điệp. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, chân thác được người dân địa phương gọi là “vực rồng”, nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn. Tầng thứ 2 là Tát Cao (Thác Cao), là tầng được chia làm 2 nhánh đổ xuống trông như 2 dải lụa trắng. Dưới chân có “vực quyên” với làn nước trong xanh, phù hợp để du khách tắm thác, thư giãn. Tầng thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên “Vực Linh” (vực linh thiêng).


Những tầng thác thú vị
Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm. Đây là tầng thác có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Chân thác là “vực rồng” (tiếng Tày gọi là “vằng tạng” hay “vằng luồng”). Đây là nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn, có mạch nước ngầm phun ra giống hình tượng rồng phun nước hòa với ánh sáng mặt trời tạo ra 7 sắc cầu vồng lung linh, kỳ ảo.
Tầng thác thứ 2 có tên gọi là Thác Cao, là tầng thác được chia làm hai nhánh đổ xuống trông như hai dải lụa trắng tung bay trong không gian giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh có tên là “vực quyên” là nơi lý tưởng để du khách tắm, thư giãn.
Tầng thác thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là Vực Linh (vực linh thiêng). Tại đây du khách có thể đắm mình xuống dòng nước trong xanh và mát dịu, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót của các loài chim rừng…
Chia sẻ của du khác
Trịnh Nam Thái, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, trong chuyến ghé thăm nơi đây, đứng xa khoảng 5 km, anh đã có thể thấy thác đổ bọt trắng xoá, hệt như dải lụa trắng vắt giữa núi. Thác Bản Ba mời gọi anh từ phía chân thác với những cánh đồng trù phú. Mùi lúa non, mùi sương sớm giúp anh thấy sảng khoái, tạm xa rời khói bụi thành thị.


Đến với thác Bản Ba, du khách được thám hiểm những cánh rừng già với nhiều cây cổ thụ vài trăm năm tuổi; những cây leo chằng chịt và nhiều loại gỗ quý. “Đường vào thác rất đẹp, sạch sẽ; lại còn có cơ hội nhìn thấy nhà sàn của người Tày ở 2 bên. Cây cối mọc đan xen với vòng thác. Nó giống trong những phim phiêu lưu, thám hiểm”, Thái kể lại.
Du khách đến tham quan thác cần chuẩn bị áo mưa. Việc này là để đề phòng trời mưa bất chợt hoặc nước từ thác đổ xuống mạnh; nhiều đoạn dễ bắn vào người. Nếu muốn cắm trại, nướng đồ ăn, du khách nên chuẩn bị sẵn củi khô và dụng cụ tạo lửa do gỗ trong khu vực thác ẩm. Sau khi tham quan, bạn lưu ý dọn sạch đồ, mang rác theo người. Theo như người dân địa phương, khách không nên du lịch vào mùa lũ lớn, có mưa dài ngày. Nếu thấy nước dâng bất thường khi trời mưa, người tham quan cần tiếp tục leo lên đồi; tuyệt đối không leo ngược lại xuống dưới.
Xem thêm tin tức mới nhất về du lịch tại đây.