Bệnh dị ứng ở trẻ có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, theo dõi tình trạng sức khỏe của con. Khi có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ trẻ bị dị ứng hãy thăm khám sớm. Đồng thời trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về bệnh để có thể chủ động phòng tránh được tốt hơn. Dưới đây là một vài thông tin cơ bản về dị ứng ở trẻ và cách điều trị, phòng tránh bệnh mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo.
Bệnh dị ứng ở trẻ em là như thế nào?


Dị ứng là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch đối với một số tác nhân thường vô hại với hầu hết mọi người. Nói cách khác, khi bị dị ứng với một thứ gì đó, hệ miễn dịch sẽ nhầm lẫn tác nhân này gây hại cho cơ thể. Từ đó tạo ra các kháng thể immunoglobulin E (IgE) khiến một số tế bào giải phóng histamine để chống lại tác nhân gây dị ứng.
Những tác nhân gây bệnh dị ứng ở trẻ em
Có rất nhiều tác nhân khác nhau gây nên bệnh dị ứng ở trẻ em. Cha mẹ cần nắm rõ những tác nhân này để phòng tránh bệnh cho con em mình được tốt nhất.
- Tác nhân ngoài trời: Phấn hoa, phấn từ lông chim và gia cầm, côn trùng cắn hoặc đốt.
- Tác nhân trong nhà: Lông/nước bọt của thú cưng, mạt bụi, nấm mốc, bụi phấn ở trường học…
- Chất gây kích ứng: Khói thuốc lá, khói xe, nước hoa, nến thơm…
- Dị ứng thực phẩm: Trứng, sữa, hải sản, các loại hạt…
- Dị ứng thuốc và hóa chất: Một số thuốc kháng sinh, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa… cũng có thể khiến trẻ bị dị ứng.
Những triệu chứng bệnh dị ứng ở trẻ thường gặp
Các dạng triệu chứng khi dị ứng phát tác thường phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ. Khi bị dị ứng, trẻ thường có một số triệu chứng như:
- Phát ban, nổi mề đay, viêm da dị ứng hoặc chàm.
- Thở khò khè, khó thở, thường xảy ra ở trẻ bị hen suyễn.
- Hắt hơi, ho, sổ mũi, ngứa hoặc sưng mắt.
- Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
- Giảm huyết áp, gây choáng váng, mất ý thức hoặc ngất xỉu.
- Một số trường hợp nặng có thể bị sốc phản vệ và cần được nhập viện để cấp cứu kịp thời.
Khi có những dấu hiệu này cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý điều trị. Hãy đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra và hướng dẫn điều trị chính xác cho trẻ. Việc bạn tự ý điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng của trẻ do vậy cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan.
Phương pháp chẩn đoán bệnh dị ứng ở trẻ
Một số tác nhân gây dị ứng khá dễ xác định. Nhưng cũng có một số tác nhân khác lại ít rõ ràng hơn và thường dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng thì bạn nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Thông thường, có 2 loại xét nghiệm để xác định dị ứng ở trẻ em, đó là:
Chẩn đoán qua xét nghiệm máu


Phương pháp xét nghiệm máu thường được thực hiện đối với trường hợp dị ứng ở trẻ em có liên quan đến các bệnh về da. Đồng thời, những trẻ đang sử dụng một số loại thuốc. Hoặc trẻ nhạy cảm với một chất cụ thể cũng sẽ được bác sĩ đề xuất làm xét nghiệm máu.
Bên cạnh việc thực hiện xét nghiệm, bác sĩ cũng quan sát thêm các triệu chứng của trẻ khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Ví dụ như một trẻ có kết quả xét nghiệm là dương tính với dị ứng mạt bụi. Bác sĩ thường sẽ theo dõi xem bé có bị hắt hơi nhiều khi ngồi chơi trên sàn nhà có mạt bụi hay không.
Chẩn đoán qua xét nghiệm lẩy da
Xét nghiệm lẩy da thường được áp dụng để phát hiện các chất gây dị ứng từ môi trường và thực phẩm. Loại kiểm tra này có thể được thực hiện theo 2 cách sau:
- Bác sĩ nhỏ một giọt ở dạng lỏng và chứa chất gây dị ứng lên vùng da đã được làm trầy xước bằng thiết bị chuyên dụng.
- Tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng vào dưới da. Bài kiểm tra này sẽ gây ra vết chích trên da nhưng không đau.
Sau 15 phút, nếu vị trí da được dùng làm xét nghiệm bị sưng u và đỏ lan ra xung quanh (giống vết muỗi đốt) thì kết quả chẩn đoán dị ứng là dương tính.
Cách kiểm soát dị ứng ở trẻ em
Tình trạng bị dị ứng ở trẻ em hay người lớn đều không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể giúp trẻ kiểm soát các triệu chứng. Trong đó, điều quan trọng trước tiên là bạn nên giáo dục trẻ đã đến tuổi đi học nhận thức về tình trạng dị ứng của bé. Điều này sẽ giúp con biết cách tránh các tác nhân khiến mình bị dị ứng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên thông báo với những người thường xuyên tiếp xúc với bé. Chẳng hạn như bảo mẫu, giáo viên, thành viên khác trong gia đình… về tình trạng dị ứng của con. Như vậy trẻ sẽ được giúp đỡ khi cần.
Đối với việc chăm sóc trẻ mắc chứng dị ứng, bạn nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Bạn cần giữ nơi ở khô ráo, không nên nuôi chó mèo, không để bé vui chơi ở nơi có nhiều côn trùng. Hãy đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi cho con ăn…
Nếu việc tránh các tác nhân gây dị ứng từ môi trường gặp khó khăn hoặc không khả thi. Cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn, bao gồm thuốc kháng histamine. Thuốc nhỏ mắt và thuốc xịt mũi cho trẻ sử dụng. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị bệnh dị ứng nhẹ không kê đơn nhưng bạn cũng có thể cho bé dùng sau khi hỏi thêm ý kiến dược sĩ.
Cách phòng ngừa bệnh dị ứng ở trẻ
Để phòng tránh bệnh dị ứng ở trẻ cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
Đối với dị ứng thức ăn


Chăm sóc trẻ sơ sinh cần cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 4 tháng đầu và bú sữa mẹ đến 6 tháng. Tránh tuyệt đối khói thuốc lá trước và sau khi sinh để không ảnh hưởng đến trẻ.
Sữa mẹ có thể giúp làm giảm tần suất viêm da dị ứng ở trẻ dưới 2 tuổi. Giúp làm giảm khởi phát sớm những cơn khò khè ở trẻ dưới 4 tuổi. Đồng thời làm giảm tần suất dị ứng protein sữa bò ở 2 năm đầu đời.
Tuyệt đối tránh những thức ăn mà trẻ bị dị ứng nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Có chế độ ăn phù hợp và cho trẻ làm quen dần với những thực phẩm cần thiết để bù dưỡng chất cho cơ thể.
Đối với dị ứng thời tiết
Bố mẹ cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, hạn chế không cho trẻ ra ngoài quá nhiều. Thường xuyên động viên để trẻ rèn luyện sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nên tập các bài tập vận động hoặc là chơi các môn thể thao mà trẻ yêu thích.
Bên cạnh đó cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bổ sung trái cây tăng cường sức đề kháng. Cung cấp cho cơ thể các thực phẩm có chứa vitamin C, khoáng chất, probiotic…
Trên đây là những thông tin về bệnh dị ứng ở trẻ và cách phòng tránh mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Hy vọng sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm những thông tin cần thiết để bảo vệ được sức khỏe con mình tốt hơn.